CẦN GIUỘC - GHI DẤU, TƯỞNG NHỚ CỤ ĐỒ

05/07/2022 10:15:25 AM         

Ngưỡng mộ tiền nhân là tấm lòng, trách nhiệm, đạo lý của lớp hậu sinh. Người người đang hướng về Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu – nơi diễn ra lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ. Những người con của quê hương Bến Tre đã có chuyến về thăm huyện Cần Giuộc (Long An) để tìm hiểu thêm sự gắn bó của nhà thơ yêu nước với vùng đất này và cảm nhận tình cảm, sự mến mộ của người dân nơi đây dành cho cụ.

Vanvn–  CẬP NHẬT NGÀY: 4 THÁNG BẢY, 2022 LÚC 11:25

 
 (Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1.7.1822 – 1.7.2022)
 
Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc tại trung tâm thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Đồng
Viếng tượng đài nghĩa sĩ oai hùng
Trong 66 năm cuộc đời, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sống ở nhiều nơi. Mỗi nơi đi qua, cụ đều để lại những dấu ấn riêng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Anh Dũng cho biết: Trên địa bàn tỉnh, cụ thể là ở huyện Cần Giuộc, có những địa điểm, di tích mang dấu ấn của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Trong thời gian lưu lại Cần Giuộc, Cụ Đồ đã ở chùa Tôn Thạnh 4 năm để dạy học, bốc thuốc, đồng hành cùng người dân, khơi dậy tinh thần yêu nước của những người nông dân nghĩa sĩ. Từ cuộc khởi nghĩa nông dân Cần Giuộc đánh đồn Tây Dương đã để lại sự oai hùng, mở đầu cho phong trào đánh Tây, cụ đã có bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, như lời tri ân sâu sắc những nghĩa sĩ đã hy sinh vì quê hương. Văn tế đã đi vào lịch sử văn thơ yêu nước Việt Nam. Huyện Cần Giuộc rất tự hào và vinh dự được lưu giữ dấu ấn trường tồn này.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, tại Cần Giuộc, nghĩa quân đánh úp đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình, đốt nhà thờ, giết viên tri huyện người Pháp và một số lính Mã-tà, Ma-ní. Giặc Pháp phải huy động tàu chiến đến sông Cần Giuộc bắn đại bác dữ dội lên đồn mới đẩy lui được nghĩa quân. Trong trận này, 15 nghĩa quân hy sinh, trong đó, phần nhiều là người làng Mỹ Lộc (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc).
Để ghi nhớ, tôn vinh và lưu truyền những giá trị lịch sử – văn hóa, tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc được khởi công xây dựng ngày 17-12-2011 và khánh thành vào ngày 13-4-2015, với khuôn viên xây dựng 2.199,08m2. Điểm nhấn của công trình là nhóm tượng đài gồm 11 hình tượng con người cao 2,7m, thể hiện hình ảnh những nghĩa sĩ trong tư thế chiến đấu được khắc họa trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu… Thân tượng được chế tác từ chất liệu đá granit xám, cao 10m, nặng khoảng 800 tấn, do nhà điêu khắc Phan Thị Gia Hương thực hiện. Tổng kinh phí đầu tư công trình hơn 29 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Đây là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của Long An.
Nằm bên dưới tượng đài là Nhà trưng bày Nghĩa sĩ Cần Giuộc, giới thiệu về đất và người Cần Giuộc; hoàn cảnh lịch sử Cần Giuộc thời điểm Pháp chiếm đánh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây; trận công đồn Tây Dương; cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
Thăm cổ tự lưu dấu chân Cụ Đồ
Đến xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc phải ghé thăm Di tích lịch sử chùa Tôn Thạnh. Dưới mái chùa này, từ năm Kỷ Mùi đến năm Nhâm Tuất (1859 – 1862), cụ Nguyễn Đình Chiểu đã lưu lại trong 4 năm. Cụ dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn.
Đoàn đại biểu “Hành trình theo bước chân Cụ Đồ” đến thăm chùa Tôn Thạnh tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Ảnh: Thanh Đồng
Chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ lập năm 1808. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc, chùa Tôn Thạnh được nhắc đến: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh/ Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm/ Đồn Lang Sa một khắc đặng rửa hờn/ Chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ”…. Tấm bia có khắc những câu văn tế được đặt trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh như nhắc nhở với đời sau đây là nơi cụ Đồ Chiểu sáng tác nên áng văn bất hủ, như bài hịch trong thời điểm đó, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đem sức tài ra đánh giặc cứu nước.
Bia về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xây tại Di tích chùa Tôn Thạnh do Nha văn hóa Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn xây dựng năm 1973. Ảnh: Thanh Đồng
Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh không còn nguyên vẹn như trước, nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Ngôi chùa này được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27-11-1997.
Đại đức Thích Tắc Nguyên – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cần Giuộc cho biết: Cụ Đồ Chiểu luôn nêu cao tinh thần yêu nước trong quá trình dạy học, lan tỏa đến người dân địa phương. Chùa Tôn Thạnh ban đầu được xây dựng là nơi nương tựa tâm linh để người lưu dân khẩn hoang có nơi tín ngưỡng tâm linh, tu hành. Dân cư khai phá vùng đất mới xem đây là điểm tập hợp, gắn bó giữa người với người. Tại chùa, chư tăng và người dân có sự giao lưu, sống theo tinh thần vì cộng đồng. Cho đến khi cụ Nguyễn Đình Chiểu về ở đây, tuy thời gian ngắn, nhưng bà con được cụ giáo dục tinh thần yêu nước, đã thấm sâu vào lòng những con người Cần Giuộc thôn quê và được gìn giữ cho đến ngày nay.
***
“Cả nước đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận của Tổng Bí thư thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Long An đã xây dựng chiến lược văn hóa, trong đó gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, di tích lịch sử dân tộc để góp phần gìn giữ, lưu truyền những truyền thống văn hóa mà cha ông đã để lại. Để tri ân nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng như ghi dấu tích cụ Đồ Chiểu đến Long An, tỉnh xây dựng tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc tại thị trấn Cần Giuộc. Tượng đài phác họa lại hình ảnh nghĩa sĩ Cần Giuộc công đồn Tây Dương đã hy sinh. Qua đó để cho du khách gần xa, cũng như các thế hệ mai sau biết đến lịch sử, gìn giữ và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa này để không bị mai một”.
(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Anh Dũng)
Người dân mến mộ, tôn kính
Thời gian cụ Nguyễn Đình Chiểu lưu lại Cần Giuộc tuy ngắn, nhưng những gì cụ để lại vẫn còn lưu mãi, đi vào lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người dân Cần Giuộc tự hào có chùa Tôn Thạnh, có trận công đồn mà tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc là lời nhắc nhở hùng hồn nhất.
Ngày nay, tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, chùa Tôn Thạnh trở thành điểm đến quen thuộc của người dân khắp nơi. Đó không chỉ là một chuyến tham quan, mà còn là dịp nhắc nhở nhau giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, di tích lịch sử thông qua những chiến tích hào hùng, khí tiết hiên ngang, bất khuất của cha ông, những nơi lưu dấu bước chân các anh hùng dân tộc, đại thi hào, danh nhân lỗi lạc, trong đó có Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu
Một trong những người con của vùng đất Long An bày tỏ lòng kính yêu vô bờ đối với Cụ Đồ là nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng. Bà sinh năm 1940 trong một gia đình khá giả, cha là một trí thức ở Cần Giuộc. Bà là tác giả cuốn “Sưu tầm về Nguyễn Đình Chiểu” do Sở Văn hóa – Thông tin Long An và Huyện ủy Cần Giuộc ấn hành năm 2004 (tái bản lần thứ I). Với niềm tự hào về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, hơn mấy mươi năm qua, bà kiên trì, dành hết tâm huyết để sưu tập những tư liệu, góp nhặt, sưu tầm ở mọi nơi, mọi lúc, trong dân gian, trong sách vở, kể cả hậu duệ của Cụ Đồ… ; những giai thoại, văn chương (cả bản chữ Nôm, chữ Hán), hình ảnh, bút tích có liên quan đến thân thế, sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu. Lần xuất bản đầu tiên (năm 1998), lời mở đầu bà viết: “Cần Giuộc quê tôi không chỉ có Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – một áng văn chương bất hủ mà có truyện thơ Lục Vân Tiên, một thi phẩm nổi tiếng mang đậm nét văn hóa; tính cách con người Nam Bộ đã đi sâu vào quảng đại quần chúng và khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, ý chí căm thù giặc, quyết đuổi bọn ngoại xâm ra khỏi bờ cõi ông cha. Đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu – tác giả của 2 tác phẩm trên và nhiều tác phẩm khác nữa đã trở thành di sản văn hóa dân tộc…”.
Tuổi trẻ Cần Giuộc luôn tự hào và ghi nhớ công ơn của các anh hùng nghĩa sĩ Cần Giuộc đã hy sinh trong trận công đồn Tây Dương. Cùng với các nghĩa sĩ, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã đấu tranh với giặc bằng ngòi bút của mình để cổ vũ tinh thần dân tộc, từ đó đã để lại dấu ấn trên đất Cần Giuộc. Thế hệ trẻ Cần Giuộc, qua giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, luôn tự hào về nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu. Hàng năm vào dịp 2-7, Huyện đoàn Cần Giuộc tổ chức lễ hội Nguyễn Đình Chiểu tại Di tích lịch sử Quốc gia chùa Tôn Thạnh, với các hoạt động như: viết thư pháp, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Đình Chiểu, ra quân vệ sinh môi trường, quét dọn các khu tưởng niệm của cụ, công viên tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đây cũng là những điểm đến, về nguồn của Đoàn thanh niên để tuyên truyền, giáo dục tinh thần “uống nước, nhớ nguồn” của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Đặc biệt, tại công viên tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, mỗi năm đều có lễ kết nạp Đoàn cho học sinh ưu tú của huyện để khuyến khích, động viên các em phấn đấu trong học tập và ngày càng hoàn thiện mình hơn nữa.
“Với vai trò đoàn thanh niên, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần kiên cường, bất khuất của cha anh đi trước, tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện Cần Giuộc phấn đấu, ra sức rèn luyện, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn, đi đến những nơi mà “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” để phục vụ, phấn đấu tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cụ Đồ Chiểu cũng như các chí sĩ của đất Cần Giuộc”, anh Nguyễn Minh Vương – Phó bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc cho biết.
“Ở thời hiện đại, kinh tế phát triển nhưng giáo dục đạo đức con người rất quan trọng, tăng chúng chùa Tôn Thạnh tiếp tục nêu cao tinh thần giáo dục chánh pháp, tuân thủ luật pháp, giáo dục tinh thần yêu nước để cho bà con Phật tử và mọi người tiếp tục kế thừa và phát huy, mong muốn đóng góp vào công cuộc giáo dục chung của nước nhà”, Đại đức Thích Tắc Nguyên – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cần Giuộc cho biết.
***
Công trình công cộng vinh danh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trên đất Long An
1.Tên đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 1 – Phường 3, TP. Tân An.
2. Di tích lịch sử – văn hóa chùa Tôn Thạnh, địa điểm lưu niệm Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc.
3. Đình Chánh thôn xã Mỹ Lộc, đặt tượng thờ Nguyễn Đình Chiểu năm 2006, ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc.
4. Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, đường tỉnh 835, ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc.
5. Đường Nguyễn Đình Chiểu, Khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc.
6. Tượng bán thân Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại giữa sân Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu năm 2015, ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc.
7. Đường Nguyễn Đình Chiểu, Khu phố 2, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa.
8. Bia về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xây tại di tích chùa Tôn Thạnh, do Nha văn hóa Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn xây dựng năm 1973, ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc..
HThi – Q. Khởi – T. Đồng
Báo Đồng Khởi 6.2022
Từ khóa: Từ khóa:  Cần Giuộc Đồ Chiểu cụ Đồ
Ý kiến của bạn: