NHÀ VĂN SƠN NAM - MỘT GÓC NHÌN VĂN HÓA

16/08/2023 10:20:04 AM         

Ông đã sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch và được nhiều người yêu mến gọi là “ông già Nam Bộ”, “ông già Ba Tri”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay “nhà Nam Bộ học”.

vannghe.vn, 13/08/2023

Sơn Nam (1926 – 2008) là nhà văn hiện đại nổi tiếng của vùng đất Tây Nam Bộ, của Nam Bộ và của cả nước ta. Ông đã sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch và được nhiều người yêu mến gọi là “ông già Nam Bộ”, “ông  già Ba Tri”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay “nhà Nam Bộ học”.
Là một thanh niên yêu nước sớm tham gia cách mạng, trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Sơn Nam đã lăn lộn khắp rừng U Minh và vùng tứ giác Long Xuyên để vừa hoạt động, vừa sáng tác. Năm 22 tuổi, ông trình làng tập thơ đầu tay Lúa reo (Hội Văn hóa kháng chiến Kiên Giang, 1948) với những bài thơ thấm đậm “chất quê” của một vùng đồng bằng phù sa trù phú. Bốn năm sau, năm 1952, tập truyện vừa đầu tiên Bên rừng Cù lao Dung đã nhận được giải Nhất Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long do Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ tổ chức, và kí sự Tây đầu đỏ được giải Nhì trên báo Tiếng súng kháng địch.
Cũng như nhiều người kháng chiến cũ ở lại miền Nam sau Hiệp định Genève 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông vào cái gọi là Trung tâm cải huấn. Sau khi trao trả tự do, Sơn Nam tham gia viết bài cho các tờ báo tiến bộ phát hành tại Sài Gòn lúc bấy giờ như Nhân Loại, Công Lý, Ánh sáng, Lẽ Sống, Tiếng Chuông,…
Ông thường chọn những đề tài dã sử nhằm né tránh sự đàn áp cùng chính sách kiểm duyệt gắt gao của chính quyền, mà vẫn bóng gió gửi gắm tình cảm yêu nước, ngợi ca phẩm chất anh hùng, bất khuất của con người miền Nam và của cả dân tộc. Các khảo cứu về văn hóa lúc này như: Chuyện xưa tích cũ, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Nguyễn Trung Trực – người anh hùng dân chài đã đến với độc giả.
Năm 1960, ông lại bị bắt giam vào nhà tù Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Đây cũng là thời gian manh nha cho sự ra đời tập truyện ngắn nổi tiếng Hương rừng Cà Mau (1962). Ngoài những tập truyện như Chim quyên xuống đất, Biển cỏ miền Tây, Hình bóng cũ, Vạch một chân trời, Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng, Bà Chúa Hòn, Theo chân người tình, Xóm Bàu Láng,…
Sơn Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm về mặt nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ qua những tác phẩm như Bến Nghé xưa, Đất Gia Định xưa, Người Sài Gòn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt vườn, Nghi thức lễ bái của người Việt xưa, Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên Địa hội và cuộc Minh Tân, Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam, Người Việt có dân tộc tính không?, Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa, Đình miếu và lễ hội dân gian, Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hoá dân gian, Cá tính miền Nam, Lịch sử đất An Giang,…
Hoà bình, thống nhất đất nước, ông vẫn tiếp tục đi và cho ra đời nhiều truyện vừa như: Ngôi nhà mặt tiền, Âm dương cách trở, Chuyện tình một người thường dân, Truyện ngắn của truyện ngắn,… ; những tập bút kí về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng đất Nam Bộ: Giới thiệu Sài Gòn xưa, Ấn tượng 300 năm, Tiếp cận với Đồng bằng sông Cửu Long; biên khảo Thuần phong mĩ tục Việt Nam, tạp bút – tản văn Dạo chơi tuổi già; cả bốn tập hồi ký: Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị và Bình an.
Có dịp tiếp xúc với tác phẩm của Sơn Nam, độc giả như được ông đưa ngược về quá khứ để đến thăm từng ấp, từng làng của Nam Bộ xưa mà những người dân cố cựu như ông gọi là “Miệt Vườn”. Thật vậy, từ thuở ban đầu thành lập Lục tỉnh, thành phố Sài Gòn trực thuộc tỉnh Gia Định. Nhưng trải qua năm tháng, hai tỉnh Biên Hòa và Gia Định tách ra, Lục tỉnh từ đó thật sự chỉ còn “Tứ tỉnh” nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (theo cách gọi ngày nay), được gọi chung là Miền Tây hoặc Miệt Vườn.
Chính Sơn Nam đã viết về Miệt Vườn như sau: “Trước năm 1945 và có lẽ trước năm 1960, người địa phương không gọi “Đồng bằng sông Cửu Long” mà gọi là Miệt Vườn, với câu hát khá phổ biến: Mẹ mong gả thiếp về vườn/ Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh… ”(1). Ở đó có những cái tên vừa đậm chất Nam Bộ vừa mang âm hưởng Cao Miên như Cà Bây Ngọp, Chắc Cà Đao, Chắc Băng, Láng Thé, Lấp Vò, Man Thít, Mo So, Soài Rạp, Tà Lơn, Thốt Nốt, … và hàng loạt những địa danh “bí hiểm” như Tắt Ổ Cu, Tắt Ăn Chè, Tắt Quanh Queo, Trà Ết, Trà Lồng, Trà Niền,… khiến người đọc tưởng chừng như lạc vào một thế giới nào đó. Rất nhiều cái tên khác cũng ấn tượng không kém về sự hoang dã, tự nhiên: Ba Giồng, Ba Láng, Bãi Xàu, Bàu Láng, Bảy Ngàn, Bò Ót, Cái Bè, Cái Côn, Cạnh Đền, Cát Lái, Cần Chông, Cổ Cò, Cổ Tron, Cù Lao Cát, Cù Lao Dung, Đầu Sấu, Giồng Ông Tố, Giồng Tháp, Gò Găng, Gò Quao, Hòn Chông, Hòn Đất, Lai Vung, Lung Tràm, Rạch Bần, Rạch Tre, Sáu Ngàn, Tràm Cừa, Tràm Trốc, U Minh,…
Hãy nghe nhà văn giải thích về cái tên ấp Cà Bây Ngọp trong truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư : “Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp, trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bệnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học” (tập Hương rừng Cà Mau). Qua câu chuyện về xứ Cà Bây Ngọp, người đọc có dịp biết đến từ “len” trâu, và Mùa len trâu là tên một truyện ngắn hay của Sơn Nam đã được dựng thành phim bởi đạo diễn trẻ Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Có lần ông giải thích về từ ấy như sau: ““Len” trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, “len trâu” có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt, nước lụt từ 1m đến 4m. Người ta ở nơi lụt, người ta không có chỗ ở là phải, và trâu cũng không có chỗ ở. Cho nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ cho nó ăn (…). Có khi đến ba bốn tháng mới đưa trâu về” (2).
Ngòi bút Sơn Nam còn làm sống lại một cách sinh động nhiều mặt đời sống quá khứ vài trăm năm trước của vùng đất phương Nam, từ chuyện khẩn hoang, chuyện thời Đàng Cựu, chuyện tranh chấp thế lực trong thời kì Trịnh – Nguyễn, chuyện Gia Long bôn tẩu, chuyện Tây Sơn vào Nam dẹp giặc Xiêm, đánh Nguyễn Ánh, chuyện đấu tranh thời thực dân giữa ta và Tây; đến lai lịch của từng vùng đất cụ thể như Sài Gòn, Gia Định, An Giang, Hà Tiên, Cần Thơ, Hậu Giang,..; rồi chuyện kháng chiến; chuyện hơn thua tranh chấp đặc quyền giữa những gia đình, cá nhân; đan xen những chuyện xưa là những chuyện gần đây, trước và sau những năm đất nước thống nhất; chuyện sinh hoạt, giải trí; chuyện quan hệ yêu đương, tình cảm gia đình, xã hội; các loại hình ca cổ, hò hát đối đáp, đưa em, huê tình, nói thơ, nói truyện,…
Rõ ràng, những năm tháng sống chan hoà, chịu khó đi nhiều, khéo nắm bắt, học hỏi và tra cứu, Sơn Nam mới có được một vốn sống cực kì phong phú như vậy. Đọc tác phẩm của ông, người đọc như được tiếp xúc với những người dân Nam Bộ đủ thành phần, hạng người, nghề nghiệp. Ông am hiểu những nghề có tính đặc thù như: tằn khạo, thương hồ, làm ruộng dạo, trị rắn cắn, bắt sấu, bẫy chim, ăn ong, đánh bắt cá, len trâu, làm vườn, ruộng, rẫy,… Ba dân tộc đồng thời là những chủ nhân của vùng đất Nam Bộ được đề cập thường xuyên là Kinh, Hoa, Khmer. Ông tường tận nhiều phong tục, tập quán, lễ hội của họ: Tết cổ truyền, lễ cúng trăng, đua ghe ngo, ngày bổ tróc, giỗ ông bà, cúng thần thánh,… Người Khmer hiện lên với nhiều tình cảm ông dành cho họ. Bút danh Sơn Nam gắn với một kỉ niệm đẹp từ thuở ấu nhi của ông về một bà mẹ Khmer tốt bụng.
Khó có thể kể hết những tác phẩm của Sơn Nam viết về những sinh hoạt đời thường trên vùng đất này, như các truyện Bốn cái ngu, Cái tổ ong, Con Bảy đưa đò, Hát bội giữa rừng, Hương rừng, Mùa “len” trâu, Ngày mưa đầu mùa, Ông Bang cà ròn, Ruộng Lò Bom, Tình nghĩa giáo khoa thư, Xóm Cù Là,… (tập Hương rừng Cà Mau); Cấm bắt rùa, Con Bà Tám, Hai cõi U Minh, Kéo trúm, Lũ trẻ chăn trâu, Ngày hội ba khía, Vọc nước giỡn trăng,…(tập Biển cỏ miền Tây). Để phản bác câu ca dao: Trên đời bốn thứ nhàn du/Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu bằng câu ca dao tương tự: Trên đời có bốn thứ ngu/ Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu – hai câu chỉ khác có mỗi từ nhàn du/ngu – ông đã viết truyện Bốn cái ngu rất sinh động. Ở truyện Chiếc ghe “ngo”, Sơn Nam đưa người đọc đến với không khí lễ hội của đồng bào Khmer cùng những cuộc đua ghe ngo vô cùng hào hứng, phấn khích. Con Bà Tám là câu chuyện về một loại rùa khổng lồ có tám cái sọc trên lưng mà người xây nò Xiêm bắt cá ngoài biển khơi rất sợ gặp phải, nghe đâu “nó ở miền Xanh-Ga-Bo, lâu lâu xiêu lạc qua xứ mình. Phải đuổi nó ra cho khéo léo, kẻo bao nhiêu cây nọc cây rạo của nò mình ngã nghiêng hết”…
Là người sống ở U Minh từ thuở nhỏ, văn của Sơn Nam như tuôn chảy ra từ một vốn sống ngồn ngộn, tươi rói, nên có sức hấp dẫn đến kì lạ. Ông nói về sân chim, kể về chuyện ăn ong, những kinh nghiệm bắt cá, bẫy chim, bắt rùa, cá sấu,… rất thú vị. Trong Tháng chạp chim về, ông viết về tâm sự của ông Tư – một lão nông – lúc gặp lại con chim già sói thật cảm động. Nhà văn như thấu cảm nỗi niềm tâm sự của hai “người bạn già” đã trải qua biết bao thăng trầm, biến đổi của cuộc đời: “Nó nhìn ông Tư, râu tóc bạc phếu. Ông Tư nhìn nó. Có lẽ ông nghĩ đến phận mình mà nảy sinh ra bao mối cảm hoài. Trong con tim già, qua thời gian, giờ đây chắc chắn đã lắng xuống hết bao hung bạo của thời xuân xanh của ông và của đất nước hoang vu” (tập Hương rừng Cà Mau).
Một điều dễ nhận thấy đó là hệ thống nhân vật trong sáng tác của Sơn Nam đều bộc lộ suy nghĩ, tâm lí, hành động hoàn toàn phù hợp với đặc trưng tính cách của họ. Nhiều người đọc phía Nam hẳn như thấy mình hóa thân vào các nhân vật đã được ông xây dựng thành công như: lão Ngượt, lão Nhị, Lục cụ, ông Đạo Đất, ông Bang cà ròn, ông Từ Thông, bà Chúa Hòn, Cai tổng Biện, giáo Lý, giáo Trích, thầy Chà, thầy Hai Rắn, cô Ngó, cô Út, cậu Ba, cậu Hai Điền, Hai Cần, Tư Hạnh, Tư Hiếm, Năm Hến, Năm Tự, Bảy Út, Tám Theo, Mười Hấu, Mười Hy, thằng Mến, con Lài,….
Đọc đoạn đối thoại giữa cô Huôi (bà Chúa Hòn) với Tư Thiện trong tiểu thuyết Bà Chúa Hòn, độc giả bắt gặp tính cách một người phụ nữ tuy ít học nhưng có những nghĩ suy thấu tình đạt lí, thể hiện nét bình dân, chân chất nghĩa tình của người dân Nam Bộ. Hay như ở truyện Đảng “Cánh Buồm Đen”, Sáu Bộ tuy là chúa đảng nhưng đã kiên quyết giải nghệ khi lỡ giết oan một người ở thuê cho chủ. Nắm trong tay cây roi và “đường quờn Lưu Thủy” ít ai biết được truyền từ vị sư tổ, ông không nỡ tiếp tục mai danh ẩn tích, vì “cảm thấy nhục nhã như thiếu một món nợ gì đối với trời đất, núi non”, không xứng đáng với chức vị “chặt đầu Tây” giành cho người dày công tu luyện. Vì thế, dù tuổi đã cao, Sáu Bộ vẫn sẵn sàng truyền lại bí quyết nhiệm màu của đường quờn ấy cho lớp thanh niên yêu nước; thậm chí hiến tặng cây roi để chặt ra làm cán mác, hay “làm gì thì làm, miễn dùng nó được thì thôi” cho cuộc đánh Tây. Hoặc ông hương cả Binh trong truyện Con ngựa đất, một nhân cách Nam Bộ rạng ngời tiêu biểu cho những con người nghiã khí, sống chết vẫn không rời căn nhà, mảnh đất quê hương, chọn cái chết vinh hơn sống nhục khi đối đầu với bọn xâm lược bạo tàn (tập Hương rừng Cà Mau).
Nét đặc sắc làm nên “chất” Sơn Nam còn ở văn phong của nhà văn. Đó là sự kế thừa và phát huy phong cách văn xuôi của những nhà văn Nam Bộ trước kia như Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Phi Vân, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc… Đặc biệt ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật mang đầy đủ đặc trưng của phương ngữ Nam Bộ trên các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách diễn đạt đã làm nên nét độc đáo nổi trội trong sáng tác của Sơn Nam. Ở đây, ngôn ngữ dẫn chuyện của ông có thể xem là tiêu biểu của lối “văn nói” Nam Bộ thường ngắn gọn, chứa nhiều từ ngữ giao tiếp hằng ngày được thể hiện thành lời văn.
Thí dụ, đoạn mở đầu truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ: “Nơi sông rạch, cá sấu là giống hung hăng nhứt. Có điều đáng chú ý là chúng không thích chốn sông sâu nước chảy, có sóng gió. Chúng lên tận ngọn cùng, tìm nơi yên tịnh, chật hẹp. Vùng U Minh Hạ sấu thường đi ngược sông Ông Đốc, rạch Cái Tàu vào giữa rừng tràm. Tại sao vậy? Tuy là thích ăn thịt người, loại sấu vẫn tìm cá làm món ăn chính. Rừng U Minh Hạ thuộc về loài tràm thủy, cá sanh sôi nảy nở rất nhanh chóng; lên đó, tha hồ mà ăn”.
Hay đoạn văn nói đến những trăn trở của Tư Lập trong Hương rừng khi quyết định ra đi rồi lại trở về khu rừng U Minh, mảnh đất lập nghiệp ban đầu của mình: “Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về Long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được. Chú lại trở về.” (tập Hương rừng Cà Mau).
Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng là ngôn ngữ thường ngày của người dân thể hiện tính cách, tâm lí ứng xử của họ trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Rất nhiều từ Nam Bộ được ông dùng trong văn cảnh, nhiều khi khéo léo lồng vào câu chuyện để diễn giải một cách cẩn thận. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của ông với vốn từ địa phương, mà sợ rằng với thời gian chúng có thể bị mai một, thí dụ: bòng bong, bồn bồn, cà ràng, chạy tờ, choại, chòi mui, củi lục, điệu nghệ, ghe cui, huê xà, hươi, lái rổi, len trâu, miệt thứ, ngủ nước, nò cạn, nò Xiêm, nước rặc, phân đồng, sở Thượng, tam sên, tắt, tầm bo, thèo lèo, thị quá, thỏn mỏn, xài giấy năm trăm, xiêm lo, xính xái, xổ nho,…. Ngoài ra, ông còn sử dụng một khối lượng rất lớn từ ngữ Nam Bộ thông thường trong cuộc sống như: ảnh, ăng kết, bà cậu, bảnh, bển, bịnh, bóp đầm, bông rua, bùng binh, cà rá, cá kèo, chén, chẹt, Chà và, Chệt Sơn Đông, con mẻ, dân Năm Căm, dân Sài Gòn, dòm, dợm, giấy bộ lư, giấy con công, hàng xáo, hát bóng, heo, hóc Bà Tó, kinh, láng, lỏn chỏn, lội, mần, miệt dưới, ổng, qua, rạch, ròng, tằng khạo,…
Cuộc đời và văn nghiệp của Sơn Nam là sự nối kết của những chuyến đi bộ, thâm nhập thực tế, nghiên cứu điền dã không biết mệt mỏi, như ông vẫn thường nói: “Ðọc sách bằng mắt chưa đã thì anh “đọc bằng chân”, đi cũng biết được nhiều!” (3). Đó cũng là quan niệm sáng tác mà nhà văn đã minh chứng bằng cả cuộc đời cầm bút. Một câu nói tâm huyết của ông được nhiều người nhắc đến, ông xem đó là phương châm sống và viết của cuộc đời mình: “Viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác!”.
Tròn sáu mươi năm cầm bút, Sơn Nam đã tiếp nối xứng đáng truyền thống văn xuôi Nam Bộ qua những sáng tác văn chương và công trình biên khảo có giá trị đặc sắc. Giống như khi nói đến Toan Ánh của Bắc Ninh, Nguyễn Vinh Phúc của Hà Nội, Quách Tấn của Bình Định, Nguyễn Văn Xuân của Quảng Nam, Võ Hồng của Phú Yên, Bình Nguyên Lộc của Đồng Nai – Biên Hoà,… nói đến Sơn Nam là nói đến một nhà văn lớn của miền Tây Nam Bộ đã dành toàn bộ tâm huyết, trí lực cả một đời để tìm hiểu, khai phá vùng đất mà mình đã sống, góp phần khẳng định mạnh mẽ bản sắc văn hoá của đất và người phương Nam trong nền văn hoá chung của dân tộc. Ông như một cây đước già gân guốc bám sâu chặt gốc rễ vào lòng đất phù sa ngập mặn mà vẫn cố vươn ra với đời; là cây bút tài hoa, mẫn tiệp, cả một đời gieo trồng chữ nghĩa trên đồng ruộng sình lầy phương Nam nhưng vẫn lạc quan, yêu người, yêu cuộc sống cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
TS. PHẠM THANH HÙNG
Chú thích:
(1) Dẫn theo Nguyễn Ngọc Chinh, “Sơn Nam – nhà văn  miệt vườn”, http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/son-nam-nha-van-miet-vuon.html#comments
(2) Mùa len trâu, http://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%B9a_len_tr%C3%A2u
(3) Ngô Hà, “Sơn Nam – nhà văn, nhà khảo cứu văn hoá”, http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/?top=43&sub=164
Tài liệu tham khảo:
  1. Sơn Nam (1989), Bà Chúa Hòn, NXB Long An.
  2. Sơn Nam (2003), Biển cỏ miền Tây – Hình bóng cũ, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Sơn Nam (2004), Hương rừng Cà Mau, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Sơn Nam (2009), 4 truyện vừa (Ngôi nhà mặt tiền, Âm dương cách trở, Chuyện tình một người thường dân, Truyện ngắn của truyện ngắn), NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Phạm Thanh Hùng (2012), Truyện ngắn trong dòng văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1965, NXB Giáo dục Việt Nam, TP Cần Thơ.
Từ khóa: Từ khóa:  Nhà văn Sơn Nam một góc nhìn văn hóa Phạm Thanh Hùng
Ý kiến của bạn: