VĂN CAO - MỘT LỐI THƠ RIÊNG
Ngày đưa:  18/12/2023 08:39:47 PM In bài
“ Người thành công nhất ngày nay là phải lo đến cái thất bại ngày sau và người lo thất bại ngày nay cũng phải lo đến cái thất bại ngày sau. Nếu không có sự lo lắng đó, một nhà thơ không nghĩ tới trách nhiệm của mình khi viết, hoặc chỉ viết cho người bây giờ mà không có trách nhiệm đến người sau”.

Vanvn-  CẬP NHẬT NGÀY: 17 THÁNG MƯỜI HAI, 2023 LÚC 15:56

 
Văn Cao mong muốn thơ không chỉ phục vụ cho hôm nay, mà thơ phải hướng đến “ngày sau”, phải lo đến tương lai. “ Người thành công nhất ngày nay là phải lo đến cái thất bại ngày sau và người lo thất bại ngày nay cũng phải lo đến cái thất bại ngày sau. Nếu không có sự lo lắng đó, một nhà thơ không nghĩ tới trách nhiệm của mình khi viết, hoặc chỉ viết cho người bây giờ mà không có trách nhiệm đến người sau”.
Nhà thơ nhạc sỹ Văn Cao( 1923-1995)
Chúng ta đều biết Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Trong tư cách nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn đã coi ông “sang trọng như một ông hoàng” * với những ca khúc trữ tình như Thiên thai, Suối mơ, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên,… những ca khúc hùng tráng như Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt NamTiến về Hà Nội,… và bản nhạc lớn Trường ca sông Lô. Trong tư cách họa sĩ, Văn Cao đã vẽ tranh, minh họa báo và làm bìa sách. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Thái Bá Vân khẳng định “cái nhìn hội họa” của Văn Cao “có địa vị dẫn đường và chi phối” , “ Có thể nói Văn Cao đã lập được trường phái minh họa và bìa sách”. Trong tư cách nhà thơ, Văn Cao có 64 bài thơ trong tập “Văn Cao tác phẩm thơ”. Nhiều người đã đánh giá rất cao thơ ông. Thái Bá Vân cho rằng “ Có nhiều người sành, nhận xét rằng trong ba thứ đó ( thơ, nhạc, họa-VN), thơ Văn Cao là hay nhất”. Chúng tôi không muốn so sánh nhạc với thơ, nhưng chắc chắn thơ Văn Cao là một lối thơ riêng. Nhận xét của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về thơ Văn Cao là xác đáng : “Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ ông thật đến siêu thực. Thơ ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên”.
Đọc bài viết “Mấy ý nghĩ về thơ” do Văn Cao viết năm 1957, thấy rõ khuynh hướng thơ của ông nhất quán từ khi viết bài thơ đầu tiên 1939 cho đến bài thơ viết tháng 8 năm 1994 trước ngày ông đi vào cõi Thiên thai một năm. Văn Cao thừa nhận và khuyến khích sự đa dạng của phong cách thơ : “Có người nói thẳng tới cái vô cùng tận của trời xanh qua cái rộng của biển, cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận qua bát nước và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để tìm thấy cái vô cùng tận của trời xanh. Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi”. Nhưng dù khác nhau, các nhà thơ cũng đều phải “tìm riêng lấy một cách thể hiện”. Tìm riêng lấy một cách thể hiện đó là mong muốn của Văn Cao trong bất cứ hoạt động trong lĩnh vực nào dù là nhạc, họa hay thơ. Chúng ta đã thấy tinh thần cách tân của Văn Cao. Tuy nhiên, có thể thấy ông không cực đoan như nhiều người trẻ bây giờ. Văn Cao mong muốn thơ phải có tư tưởng mới: Chúng ta đã qua một thời kì dài thiên về cảm xúc và một thời kì cảm giác. Cái thời kì thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?”. Nhà thơ chỉ yêu cầu thiên về tư tưởng thôi. Nghĩa là thơ vẫn cần phải có cảm xúc, cảm giác, và phải có tư tưởng, đậm nhiều hơn tư tưởng. Và không chỉ có thế, Văn Cao mong muốn thơ không chỉ phục vụ cho hôm nay, mà thơ phải hướng đến “ngày sau”, phải lo đến tương lai. “ Người thành công nhất ngày nay là phải lo đến cái thất bại ngày sau và người lo thất bại ngày nay cũng phải lo đến cái thất bại ngày sau. Nếu không có sự lo lắng đó, một nhà thơ không nghĩ tới trách nhiệm của mình khi viết, hoặc chỉ viết cho người bây giờ mà không có trách nhiệm đến người sau”. Viết lời giới thiệu cho tập thơ Lá Chín của họa sĩ Văn Hải, nhà thơ Văn Cao cũng đòi hỏi “Với bạn trẻ làm thơ, tôi muốn tìm một phong cách mới”.
Để tìm một lối thơ cho riêng mình, Văn Cao không  hầu như rất ít viết  thơ lục bát. Bởi vì nhà thơ biết rất rõ lục bát : “một thể thơ dễ làm và cũng khó làm”, rất dễ bị “nhàm tai” ( Giới thiệu tập thơ Lá chín của Văn Hải, Nxb Văn Học, 1993). Những dòng lục bát  ít ỏi của Văn Cao trong hai bài Đêm ngàn và Đêm mưa rất mới mẻ và  hiện đại:
Vi vu… Rừng lại sang rừng
Xa xôi tiếng đáp cũng ngừng xa xôi
Nương nương qua tiếng đồi đồi
Áo chàm nàng thổ pha phôi sắc chàm – Đêm ngàn
 
Thuyền vào nằm ngủ trong mưa
Trên con sông vắng lập lờ bóng trăng- Đêm mưa
Ngay  từ những bài thơ đầu tiên xuất hiện trên Thi đàn, Văn Cao đã thể hiện một lối thơ tinh tế, hiện đại như các chủ soái thơ mới bằng cách đem “con mắt của một người hội họa” (chữ của Văn Cao) nhìn cảnh vật và thấu thị sự vật bằng cảm nhận :
Trông qua song cửa : trời vàng úa
Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu!
Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống
Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa – Ai về Kinh Bắc, 1941
 
Thơ làm hoa lá rung rinh thở
Nhựa ở thân cây se sẽ dâng
Sương ở đầu cành thâm thấm lá
Và dần dần thấm đất vươn xuân – Ngâm thơ, 1942
Nhà văn Vũ Bằng đã rất công tâm  và chính xác khi đánh giá rằng :“ Văn Cao  quả là một người tài hoa có một. Đến lúc Văn Cao nổi tiếng về nhạc và vụ ám sát Đỗ Đức Phin, người ta mới giở lại những bài thơ anh đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy và một loạt tờ báo khác, và đến lúc ấy người ta mới thấy thơ Văn Cao cũng hay như nhạc của anh. Chẳng qua chỉ vì Văn Cao không quan niệm cái gì là quan trọng, không kéo bè kéo đảng để đưa nhau lên, suy tôn nhau  là thi hào “lớn”, văn sĩ “lớn” nên lúc bước vào làng văn nghệ anh không được quảng cáo nhiều, do đó thơ anh bị chìm”.
Văn Cao đã viết trường ca “ Những người trên cửa biển” năm 1956. Sau này trên thi đàn của ta một độ nở rộ những trường ca. Nhưng có thể thấy Văn Cao đã sớm là một người khai sơn phá thạch ở thể loại này. Nhà nghiên cứu Đặng Tiến cho rằng tất cả các bài thơ sau này của Văn Cao, dù đặc sắc, vẫn là “ những mảnh vỡ”  của Hải Phòng.
Những bài thơ đặc sắc của Văn Cao được mọi người nhắc đến, phẩm bình là  Năm buổi sáng không có trong sự thật,  Những bó hoa, Nguyệt thực, Sự sống thật, Khuôn mặt em, Quy Nhơn, Thời gian, Khúc biến tấu tuổi 65,…
Có biết bao người làm thơ về tháp Chàm, nhưng chỉ đến khi Văn Cao đem con mắt nhìn hội họa thì chúng ta mới có một tháp Chàm độc đáo về kiến trúc trong thơ:
Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn
Thơ cần thiên về tư tưởng, thì những bài thơ như Những bó hoa, Nguyệt thực,  Chọn, Về một người bạn, Trôi,…chứa đầy tư tưởng trong hình thức cô đúc, ngắn gọn.
Văn Cao mong muốn “Qua một bài thơ, người ta thấy ngay con người của nhà thơ đang sống thực” ( Mấy ý nghĩ về thơ). Không ít các bài thơ dài, ngắn của Văn Cao cho người đọc thấy điều đó.
Bài thơ Có lúc là một ví dụ:
Có lúc
một mình một dao trong rừng không sợ hổ
Có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
Có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được(1963)
Và bài thơ Khúc biến tấu tuổi 65 là một ví dụ khác về cuộc sống của nhà thơ sau những biến cố.
Có thể nói rằng toàn bộ sáng tác thơ của Văn Cao là những tìm tòi không mỏi mệt cho một lối thơ riêng, in đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ đa tài. Giữa những lời tuyên ngôn và hành động sáng tạo của nhà thơ luôn nhất quán. Văn Cao viết thơ cho hôm nay nhưng cũng luôn ý thức viết cho “ngày sau”. Thơ của ông sẽ đồng hành cùng bạn đọc đến tương lai, vì ông đã “tìm riêng lấy một cách thể hiện”, đã “can đảm biết làm nổ để mở đường”.
VŨ NHO
* Các trích dẫn trong bài viết đều từ cuốn “Văn Cao tác phẩm thơ”, NXB Hội Nhà Văn, 2013

Bản quyền ©2020 Uỷ ban Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi