NHÀ VĂN, GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN HẠNH QUA ĐỜI
Ngày đưa:  21/11/2023 07:25:40 AM In bài
Lễ nhập quan lúc 14h ngày 20.11.2023; Lễ động quan lúc 8h ngày 22.11.2023 (nhằm ngày 10.10 năm Quý Mão), tại Nhà tang lễ Thành phố, Quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM; sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Vanvn-  CẬP NHẬT NGÀY: 20 THÁNG MƯỜI MỘT, 2023 LÚC 16:10

 
Nhà văn, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh đã từ trần vào hồi 22h30 phút ngày 19.11.2023 (nhằm ngày 7.10 năm Quý Mão) tại TPHCM, hưởng thọ 93 tuổi. Lễ nhập quan lúc 14h ngày 20.11.2023; Lễ động quan lúc 8h ngày 22.11.2023 (nhằm ngày 10.10 năm Quý Mão), tại Nhà tang lễ Thành phố, Quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM; sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Nguyễn Văn Hạnh, sinh ngày 01.01.1931, quê quán Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1972.
Nhà văn, GS-TS Nguyễn Văn Hạnh (1931-2023)
Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Moskva, Nga năm 1961, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ Ngữ văn tại đây năm 1963.
Năm 1963, Nguyễn Văn Hạnh về nước, công tác tại Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Lí luận văn học. Ở tuổi 30, với học vị phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), trái tim tràn đầy nhiệt huyết, lại được đào tạo bài bản tại một trường đại học danh tiếng ở Liên Xô, ông tỏ ra rất năng động trong giới nghiên cứu khoa học xã hội thế hệ mới ở miền Bắc những năm 60-70.
Từ năm 1965, với cương vị là  Chủ nhiệm bộ môn Lí luận văn học, ông là một trong những người chủ trì và tham gia biên soạn bộ giáo trình Cơ sở lý luận văn học (4 tập, xuất bản từ 1965-1971). Đây là một trong 3 công trình lý luận văn học đầu tiên (Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, Nguyên lý lý luận văn học của Nguyễn Lương Ngọc) vận dụng các nguyên lý, các khái niệm do các học giả Xô viết đưa ra để xây dựng bộ giáo trình lí luận văn học của Việt  Nam, giải thích những vấn đề thực tiễn trong lịch sử văn học nước ta.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm Trưởng ban phụ trách Viện Đại học Huế, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế 1975-1981, Thứ trưởng Bộ Giáo dục 1983-1987, Phó Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Phó Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương năm 1981-1983; 1987-1990, Chuyên gia cao cấp Viện Khoa học xã hội, nay là Viện KHXH vùng Nam Bộ tại TPHCM. Ông được phong Phó Giáo sư năm 1980, Giáo sư năm 1984. Nghỉ hưu 2003.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Cơ sở lý luận văn học (4 tập, 1965-1971, chủ trì và tham gia biên soạn); Suy nghĩ về văn học (tiểu luận, 1972); Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí (chuyên luận, 1980, 1985); Nam Cao – một đời người, một đời văn (1993); Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ (nghiên cứu, viết chung, 1995); Văn học và văn hóa – vấn đề và suy nghĩ (tiểu luận, 2002); Trăm năm thơ Đất Quảng (tuyển tập thơ, 2005, chủ biên và tham gia biên soạn); Chuyện văn chuyện đời (tiểu luận, 2005). Lý luận phê bình văn học; Thực trạng và khuynh hướng (tiểu luận, 2009); Phương pháp luật nghiên cứu văn học (nghiên cứu, 2012).
Vì tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, nhà văn, GS-TS Nguyễn Văn Hạnh đã mất vào hồi 22h30 phút ngày 19.11.2023 (nhằm ngày 7.10 năm Quý Mão) tại TP HCM, hưởng thọ 93 tuổi.
Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Biên tập Vanvn.vn xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và những người yêu quý nhà văn, nhà giáo Nguyễn Văn Hạnh!
VANVN

Bản quyền ©2020 Uỷ ban Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi